Ảnh Bìa Tạp Chí

Ảnh Bìa Tạp Chí

Save on PinterestShare on FacebookShare on TwitterLike this design

Save on PinterestShare on FacebookShare on TwitterLike this design

Ảnh minh họa “Bà chúa Sao Sa” Nguyễn Thị Duệ. Ảnh: Internet

1. Cải trang thành nam, đi học chữ thi đỗ thủ khoa, trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam

Nguyễn Thị Duệ sinh khoảng năm 1574, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống hiếu học tại làng Kiệt Đặc, nay thuộc xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương. Năm 1592, Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm kinh thành Thăng Long, nhà Mạc rút chạy lên Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Duệ cũng theo gia đình lên đó sinh sống.

Vốn thông minh từ nhỏ, 10 tuổi đã biết làm văn thơ, Nguyễn Thị Duệ được cha cho giả trai để học chữ. Năm Giáp Ngọ (1594) nhà Mạc mở khoa thi Hội, sĩ tử tham dự rất đông, Nguyễn Thị Duệ cải trang thành nam, tham gia kỳ thi và đỗ thủ khoa, trong khi chính thầy dạy chỉ đỗ á khoa. Vậy là, tròn 20 tuổi Bà trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam.

Trong buổi Ngự yến đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ tuổi, dáng mảnh mai, mặt mày thanh tú sinh lòng ngờ vực. Nhà vua liền xét hỏi và phát hiện bà giả trai. Thời xưa, phụ nữ không được phép đi thi, thậm chí không thể dự một buổi bình văn ở Quốc Tử Giám. Vì vậy, việc Nguyễn Thị Duệ cải trang để tham gia thi Hội và đỗ tiến sĩ được coi là phạm tội khi quân. Nhưng bà Nguyễn Thị Duệ không những không bị khép tội còn được vua khen ngợi. Cảm phục tài năng, vua Mạc còn mời Bà vào cung để dạy các phi tần rồi tuyển làm phi, phong là Tinh Phi có nghĩa là Bà Chúa Sao, ngụ ý khen Bà vừa xinh đẹp vừa sáng láng như một vì sao.

Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Bà vào rừng ẩn náu trong một ngôi chùa nhỏ, bị quân lính bắt được. Bà cầm thanh gươm trên tay khảng khái nói: "Các ngươi bắt được ta thì phải đưa ta đến nộp chúa của các ngươi, nếu vô lễ thì với lưỡi gươm này ta sẽ tự tử". Cảm phục khí tiết của Bà, quân Trịnh bèn giải Bà về kinh nộp cho chúa Nghị Vương. Nghe tiếng tăm của bà Nguyễn Thị Duệ, chúa Trịnh rất sủng ái, phong cho Bà chức Cung Trung Giáo Tập, rồi Lễ Nghi Học Sĩ để trông coi việc dạy học trong vương phủ.

Bà Nguyễn Thị Duệ là vị quan có lòng yêu nước, thương dân và đặc biệt quan tâm đến giáo dục. Sinh thời, Bà viết nhiều văn thơ, nhưng trải qua những biến động của lịch sử nên bị thất lạc. Bà có nhiều công lao đóng góp cho nền giáo dục Nho giáo Việt Nam. Người dân tôn sùng gọi bà là Nghi ái Quan. Về già, Bà xuất gia đi tu ở chùa Vụ Nông, hạt Gia Lâm, lấy hiệu Diệu Huyền. Bà Nguyễn Thị Duệ thọ hơn 80 tuổi. Sau khi mất, Bà được triều đình ban sắc phong, cho đúc tượng, dựng bảo tháp, khắc bia, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm Phúc thần.

Tháp mộ bà Nguyễn Thị Duệ được đặt trên đỉnh một quả đồi cạnh núi Phượng Hoàng tại Chí Linh, Hải Dương. Cuối triều Lê, Tinh Phi cổ tháp được xếp vào hàng Chí Linh bát cổ. Đình làng Kiệt Đoài thờ Vua Bà là bà Nguyễn Thị Duệ. Đền làng Trung Hà, xã Nam Tân, huyện Nam Sách cũng thờ tượng “Bà Chúa Sao Sa” và một sắc phong. Trong Hậu cung Văn Miếu Mao Điền ở Hải Dương, Bà được thờ cùng Khổng Tử và bảy vị Đại khoa danh tiếng của Việt Nam là Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, thần toán Vũ Hữu, nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh và danh y Tuệ Tĩnh.

2. Những đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ cho nền giáo dục Nho học Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Duệ không chỉ là nữ tiến sĩ duy nhất của khoa bảng phong kiến Việt Nam mà Bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục đương thời. Khi làm quan, Nguyễn Thị Duệ đặc biệt chăm lo sự nghiệp học tập của các sĩ tử. Bà thành lập Văn Hội cho các học trò Chí Linh, mỗi ngày rằm và mồng một, Văn Hội sẽ họp tại nhà thờ họ của bà ở làng Kiệt Đặc. Đợi đầu bài từ bà gửi từ kinh đô, ngựa trạm được huy động mang về kịp thời. Việc này cho thấy chúa Trịnh vô cùng quý trọng bà, thậm chí cho phép sử dụng ngựa trạm - phương tiện công - để phục vụ riêng cho học trò Chí Linh.

Bà rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia. Phần lớn các kỳ thi Đình, thi Hội, tất cả bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Bà thường viện dẫn nghĩa lý kinh sử, sự tích cổ kim rành mạch. Các biểu sớ, văn bài thi Đại khoa chúa đều nhờ Bà khảo duyệt lại.

Năm Đức Long thứ 3 (vua Lê Thần Tông), Bà làm Giám khảo kỳ thi Tiến sĩ (1631), được tổ chức tại làng Mao Điền, Hải Dương, có rất nhiều sĩ tử dự thi, trong đó có sĩ tử Nguyễn Minh Triết quê tại Hải Dương. Bài thi gồm 12 câu mà trò Triết chỉ làm 4 câu, nhưng 4 câu cực kỳ xuất sắc. Các quan không nỡ đánh trượt, bèn tâu lên vua, vua Lê hỏi ý kiến bà Duệ. Sau khi đọc bài, Bà thấy hay bèn tâu vua: "Bài văn làm được 4 câu mà hay còn hơn làm hết 12 câu mà không hay, triều đình cần người thực tài chứ không cần kẻ nịnh bợ". Nhà vua cảm phục, bèn chấm cho Nguyễn Minh Triết đỗ Tiến sĩ Khoa Tân Mùi.

Bà Nguyễn Thị Duệ được coi là người khởi đầu hình thức đào tạo từ xa của đất nước. Bà soạn ra các bộ đề thi rồi gửi về địa phương để tổ chức thi. Sau khi kết thúc, bài thi sẽ được gửi lên cho Bà chấm, kết quả được gửi trở lại các địa phương. Bà cũng khuyến khích phong trào học tập, giúp đỡ học trò nghèo hiếu học, đề cao các nhân tài giúp nước. Đó là hình thức khuyến học đầu tiên của nước ta. Những hoạt động giáo dục của Bà đã thể hiện quan điểm học thật, thi thật, nhân tài thật.

Để ghi nhớ công ơn to lớn của bà, tại Hà Nội và Hải Dương đều có tuyến đường mang tên Nguyễn Thị Duệ. Tại quê hương của bà còn có Trường THPT Nguyễn Thị Duệ. Đây là cách để các thế hệ sau luôn ghi nhớ những đóng góp của vị Tiến sĩ Nho học cho nền giáo dục nước nhà.

3. Tấm lòng thương dân của vị quan thanh liêm

Là một vị quan thanh liêm, bà Nguyễn Thị Duệ thương dân như con. Khi đất nước gặp thiên tai, địch họa, Bà xin triều đình phát chẩn cứu đói, cấp nhiều mẫu ruộng tốt, canh tác lấy hoa lợi. Người ta còn truyền tụng, thuở hàn vi, anh trai bà Nguyễn Thị Duệ bị người trong làng hãm hại. Mặc dù vậy khi vinh hiển, Bà không hề để ý đến tư thù. Nhân dân rất cảm phục tài năng và đức độ, nên xưng tụng bà là “Nghiêu, Thuấn trong phái nữ, thần tiên ở trên đời”.

Một lần dự yến tiệc trong Hoàng cung, Bà quen với hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông). Từ đấy, hai bà trở thành đôi bạn tri kỷ. Hàng tháng, bà cùng Hoàng hậu đi lễ chùa để gặp các nhà tu hành cũng là những người học nhiều, biết rộng, gặp gỡ các sĩ phu Bắc hà - những nhà chân nho thực tài như Thám hoa Giang Văn Minh, Thám hoa Phượng Thế Hiền... nên biết được tình hình trong nước và những bất bình trong dân. Bà không chỉ giúp vua kịp thời điều chỉnh chính sách an dân mà còn khôn khôn khéo khuyên họ bớt xa xỉ, trừng trị nghiêm bọn tham quan, cường hào nhằm thu phục lòng tin yêu của dân.

4. Từ nữ tiến sĩ đầu tiên Nguyễn Thị Duệ đến những nhà khoa học nữ Việt Nam ngày nay

Dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hiến lâu đời, từ ngàn đời nay ông cha ta đã coi trọng trí thức và nhân tài, điều đó được khắc ghi trong văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế, các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp. Vì, kẻ sỹ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào”. Trong dòng chảy chung của lịch sử, khi Thái tổ Mạc Đăng Dung lên ngôi thiết lập lên một triều đại mới, nhà Mạc rất coi trọng công việc khoa cử tuyển chọn người tài giúp vua, giúp nước.

Khoa cử thời nhà Mạc đã làm nên một điều khác biệt so với tất cả các triều đại phong kiến trước và sau triều đại của mình, đó là đã phong tặng, công nhận và trọng dụng nữ Tiến sỹ Nho học đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử của Việt Nam – Nguyễn Thị Duệ. Điều này chứng tỏ, tư tưởng tiến bộ của các vua nhà Mạc, vì trọng dụng hiền tài mà vượt qua cản trở của tư tưởng “trọng nam kinh nữ” thời bấy giờ. Và bà Nguyễn Thị Duệ đã khẳng định, việc tuyển chọn và phong Tiến sỹ Nho học cho bà là một việc làm sáng suốt của bậc đế vương nhà Mạc.

Ngày nay, ở Việt Nam, phụ nữ ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò, vị thế quan trọng trong gia đình và xã hội với 50,2% dân số cả nước, 47,4% lực lượng lao động xã hội và hơn 40% các nhà khoa học ở Việt Nam. Chúng ta tự hào được sống trong một đất nước có những người mẹ Việt Nam anh hùng, những người phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Chúng ta càng tự hào về các nhà khoa học nữ Việt Nam đã vươn lên tầm cao quốc tế về khoa học.

Việt Nam là quốc gia hiếm hoi được vinh danh 3 lần cho giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng quốc tế trong năm 2015, 2018 và 2022 tại Paris qua những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nữ trẻ Việt Nam. Trong năm 2020, 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được vinh danh qua giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học các năm trước cũng được chọn lựa vào các vị trí hàng đầu trong danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á. Đó là những Trạng nguyên  Nguyễn Thị Duệ trong thời đại mới.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2024 và kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), xin kính chúc phụ nữ Việt Nam luôn giỏi việc nước, đảm việc nhà, có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, tô đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam xưa và nay.

1. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2018), Nguyễn Thị Duệ - Nữ tiễn sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng.

https://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nguyen-thi-due-nu-tien-si-%C4%91au-tien-trong-lich-su-khoa-bang-28096-4529.html 04/09/2018

2. Nguyễn Sương (2022), Nguyễn Thị Duệ - nữ Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam.

https://congdankhuyenhoc.vn/nu-trang-nguyen-duy-nhat-trong-lich-su-khoa-bang-viet-nam-179220526160052834.htm 16:31 - 26/05/2022

3. Báo Pháp luật ( 2022), Tự hào vì Việt Nam có nhiều nhà khoa học nữ

https://baophapluat.vn/tu-hao-vi-viet-nam-co-nhieu-nha-khoa-hoc-nu-post462144.html, Thứ Hai 19/12/2022 05:57 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục